Thánh Gioan là tác giả duy nhất kể lại dấu lạ Cana. Khởi đi từ lời tuyên bố: Ngôi Lời đã làm người và ở
với chúng ta. Qua việc Đức Giêsu đến dự tiệc cưới, ông muốn diễn tả hình ảnh một Đức Giêsu đến trần
gian để sống giữa mọi người. Người chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của cuộc đời nhân thế. Người hiện
diện giữa họ để đem cho họ niềm vui. Chúa hiện diện trong những đám cưới, đám tang là những sự kiện
rất đỗi thường tình của cuộc sống. Người đến tiệc cưới để chúc lành và làm cho niềm vui của cô dâu chú
rể nên trọn vẹn. Giáo Hội dựa trên sự kiện này để dạy chúng ta về việc Chúa thiết lập Bí tích hôn phối.
Khi đôi bạn nam nữ tiến đến bàn thờ để thề hứa chung thuỷ với nhau trọn đời, Thiên Chúa sẽ chúc phúc
cho tình yêu hôn nhân của họ. Bí tích hôn nhân là mối dây yêu thương ràng buộc hai người suốt đời, đồng
thời ban ơn nâng đỡ để đôi bạn vượt lên những khó khăn của đời sống gia đình. Trình thuật của thánh
Gioan làm nổi bật vai trò và sự tinh tế của Đức Trinh nữ Maria. Phép lạ xảy đến do quyền năng của Thiên
Chúa và với sự cộng tác của những gia nhân. Những người này đã nghe lời khuyên của Đức Maria:
“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Ngày hôm nay, Đức Trinh nữ vẫn hiện diện giữa chúng ta, để
can thiệp và cứu giúp chúng ta với tâm tình hiền mẫu. Đức Mẹ luôn hướng dẫn và giúp chúng ta thực thi
Lời Chúa, như xưa Đức Mẹ luôn ghi nhớ và suy niệm Lời Chúa trong lòng. Vâng lời Chúa và làm theo
huấn lệnh của Người, đó chính là bí quyết để làm nên những điều lạ lùng trong cuộc sống.
Sông Gio-đăng, tiếng Do Thái là "yarad" có nghĩa là đi xuống. Sông Gio-đăng phát nguồn từ ngọn núi Héc-
mon ở độ cao 520m. suốt 220km đường dài dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào
hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu thường
qua lại, và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục
chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết. Ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển. Có thể nói đây là
điểm thấp nhất của địa cầu. Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa, Người đã
xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội.
Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng thác người tội lỗi, cần
thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ
tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai
nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi. Khiêm nhướng là một phép
rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút. Gìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ
và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Thầy còn phải chịu một
phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất". Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai
ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước Người: "Các ngươi có thể uống chén Ta uống và
chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?" Chúng ta sẽ trả lời như thế nào?
Muốn là Kitô hữu thực thụ, người tín hữu cần có một tâm hồn khao khát Chúa, khao khát
chân lý, khao khát sự thật. Chỉ với một tâm hồn luôn khao khát Thiên Chúa người ta mới
có thể nhận ra được những dấu chỉ Chúa gửi đến trong cuộc sống; người ta mới nhạy
bén nhận ra lời mời gọi nhỏ nhẹ của Thiên Chúa. Cũng ngôi sao ấy, nhưng chỉ những
tâm hồn khát khao gặp gỡ Thiên Chúa như các đạo sĩ mới nhận ra lời mời gọi đến gặp
Hài nhi mới hạ sinh. Nhưng nguyên khao khát Chúa thôi chưa đủ. Một thái độ luôn sẵn
sàng lên đường đi tìm gặp Chúa là điều tối cần thiết. Các đạo sĩ không ngồi chờ thụ
động. Thấy ánh sao lạ, họ quyết tâm lên đường ngay để thực hiện cuộc tìm kiếm. Đối
với họ, lên đường không là điều đơn giản. Họ phải ngưng công ăn việc làm, bỏ dở nhiều
dự định, dấn thân vào xứ lạ, vượt sa mạc mênh mông khô cằn, đi nhưng chưa biết chắc
địa chỉ mình đến. Có lúc như tuyệt vọng: ngôi sao biến mất. Dầu vậy họ đã không nản
lòng. Họ cứ tiếp tục lên đường và lòng kiên trì đã đưa họ tới đích. Họ đã gặp Thiên
Chúa ở một nơi không phải cao sang, không phải cung vàng điện ngọc, nhưng là nơi
máng cỏ, nơi hang đá giá lạnh; không phải là một ông hoàng nhưng là một hài nhi bé
nhỏ; không phải vua chúa quan quyền vây quanh nhưng là hai người thường dân quê
mùa cùng với lũ trẻ chăn chiên chăn bò. Chỉ có thái độ dám lên đường như các đạo sĩ,
chúng ta mới gặp được Thiên Chúa.
Noi gương gia đình Thánh Gia, mỗi người luôn sống đúng cương vị của mình; người
Cha, người chồng hãy tích cực lao động nuôi sống gia đình xứng với danh xưng là trụ
cột gia đình, làm gương cho con cái. Người làm vợ, làm mẹ trong gia đình cần chung
thủy, đảm đang, tháo vát chăm sóc gia đình về vật chất lẫn tinh thần, cùng chồng nuôi
dạy con cái. Phận làm con, hãy sống theo sự dạy bảo của cha mẹ, luôn hiếu kính với
những đấng sinh thành dưỡng dục, để đem lại niềm vui và hãnh diện cho cha mẹ. Có
thể nói gia đình là bức tranh tuyệt đẹp về tình yêu. Nơi đó, chúng ta đọc được tình yêu
cao vời, vĩ đại - nhưng rất đỗi âm thầm của người cha. Nơi đó, có tình yêu bao la, sự vỗ
về, dịu dàng và tận tụy của người mẹ. Ở đó, còn có hương thơm hiếu kính của con cái
đối với các bậc sinh thành dưỡng dục. Gia đình là nơi mọi người cảm nhận niềm hạnh
phúc, sự ấm cúng của tình yêu. Nhưng cũng là nơi mọi người phải đối diện với những
thử thách của cuộc sống, của phận người. Có những thử thách này thì mình mới nhận
biết mình là ai, là người như thế nào.
1. Mình có phải là người sống Lời Hằng Sống không?
2. Hay là mình chỉ là người thuộc Lời Chúa mà thôi?
Với tất cả những đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần, cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Eliza-
beth, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Thánh Gioan Baotixita còn trong bào thai đã trở thành cuộc
gặp gỡ của niềm vui: niềm vui ơn cứu độ. Nhờ những chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, hai người
mẹ và hai bào thai đã họp thành cộng đoàn biết đón nhận và trao tặng ơn cứu độ. Đã tập họp
thành Nước Thiên Chúa, đã là cộng đoàn đầu tiên đón nhận được ơn cứu độ, tiên báo cho Giáo
Hội và Nước Thiên Chúa. Chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, ta hãy noi gương
Đức Maria, nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn ta nên xứng đáng đón nhận Chúa Cứu
Thế. Ta hãy xin Đức Maria dạy ta biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần trong khiêm nhường, bác
ái, quên mình và phục vụ, để ta được niềm vui đón nhận ơn cứu độ.
Khi nói về niềm vui, chúng ta không thể chấp nhận một niềm vui giả tạo, nhưng niềm vui phải khởi đi từ chính
nội tâm. Tâm tình này đã được tiên tri Sôphônia cảm nghiệm trong thời của Ngài. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay
mời gọi mỗi người chúng ta: hãy sám hối để thay đổi lối sống cho phù hợp với thánh ý Chúa. Hãy đến với Chúa
để tìm thấy niềm vui. Tin Mừng hôm nay kể lại, có biết bao người đến với Gioan Tẩy giả. Họ thuộc đủ mọi thành
phần xã hội: người thu thuế, binh sĩ, thợ thuyền. Đến với ông, mọi người đặt câu hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”.
Theo Kinh Thánh, sa mạc vừa là nơi con người chịu thử thách, vừa là nơi con người gặp gỡ Thiên
Chúa. Như chúng ta thường thấy: sa mạc thì khô cằn sỏi đá. Ban ngày thì nắng cháy, còn ban đêm thì
lạnh buốt. Đó chính là hình ảnh cuộc sống của con người không có bóng dáng và sự hiện diện của
Thiên Chúa. Giữa cảnh hoang vu của cát đá, con người đói khát và lạc hướng. Thảm trạng ấy sẽ giúp
con người ý thức được cái bé bỏng của thân phận, cái vô nghĩa của đời mình, bởi vì con người là gì nếu
không phải chỉ là cát bụi. Nhận thức này sẽ giúp chúng ta từ bỏ mọi ý nghĩ kiêu căng và ngạo mạn,
đồng thời mở rộng tâm hồn mình cho ơn sủng của Chúa hoạt động. Đường vào sa mạc như thế là con
đường dẫn đưa con người đến điểm hẹn, gặp gỡ với Thiên Chúa và đón nhận những ơn phúc của Ngài.
Nhưng những lần Chúa đến thì không ai biết trước được, Người đến thật bất ngờ. Do đó chúng ta phải
luôn ở trong tư thế sẵn sàng đón Chúa, Thánh Gioan Tẩy Giả vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước,
có sứ mệnh kêu gọi chúng ta dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, ông dùng lời tiên tri Isaia khuyên bảo
chúng ta sửa đổi đời sống. Ông mời gọi mọi người biểu lộ lòng sám hối ra bên ngoài, bằng những hành
động cụ thể trong đời sống thường ngày. Vậy tôi cần phải làm gì? 1) Một tâm hồn quảng đại. 2) Dành
15 phút mỗi ngày để cầu nguyện với Kinh Thánh của ngày đó. 3) Và khiêm nhường, xin Chúa
giúp từng ngày một.
Những vua chúa và hoàng hậu của trần gian này luôn có
đầy tớ hầu hạ xung quanh họ. Còn Chúa Giêsu thì không.
Ngôi vua của Người đã dẫn Người đến phục vụ tất cả mọi
người “Cũng như Con Người đến không phải để được
người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng
sống làm giá cứu chuộc muôn người.” (Mt20,28) Ngôi vua
của Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu. Người tự hạ đến trần
gian để rao giảng và để làm chứng cho tình yêu của Chúa
Cha đối với nhân loại. Người đồng hóa với mọi người
nhất là những người nghèo khổ. Đi đến đâu là Người thi
ân giáng phúc, tìm kiếm, chữa lành những ai đau bệnh và
tha thứ tội lỗi “Vì Con Người đến để tìm và cứu chữa
những gì đã mất.”
Sống trên đời, ai cũng mong có một tương lai tốt lành. Bởi lẽ, theo quan niệm trần gian, tương
lai là những kỳ vọng thành đạt trong sự nghiệp hay học vấn, hoặc giàu có sung sướng về vật
chất. Người Kitô hữu cũng cố gắng để có được một điều kiện sống hạnh phúc phong lưu. Tuy
vậy, tương lai và hạnh phúc vĩnh cửu của họ là Nước Trời. Hẳn nhiên không có cuộc sống làm
chứng nào mà không phải thiệt thòi vào thân. Đó là điều làm cho chúng ta lo ngại nhất, nhưng
đó cũng chính là thước đo mức độ lòng tin của chúng ta vào Giáo Hội. Để làm chứng cho chân
lý, cho tình yêu, Đức Kitô đã phải trả giá bằng cái chết trên thập tự. Cho nên gặp phải khó khăn
trong đời sống chứng nhân là chuyện bình thường, là quy luật của muôn đời. Bởi vì sống làm
chứng là sống tận căn cái nghịch lý mất mạng để được mạng, là sống triệt để cái biện chứng
hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi để làm nẩy sinh nhiều bông hạt. Đó là điều các Thánh Tử
Đạo Việt Nam đã làm và hơn nữa, đó là điều chính chúng ta cũng phải làm, nếu muốn trở nên
chứng nhân cho Đức Kitô.
Trong hoàn cảnh của kiếp mù lòa, anh Báctimê ngồi ở vệ đường. Ngồi cho chúng ta
thấy một trạng thái tĩnh và thụ động. Trong Kinh Thánh, ngồi là lúc người ta học hỏi, thụ
huấn, suy tư và chiêm niệm. Anh mù ngồi ở vệ đường có thể là đánh động lòng trắc ẩn
của bá tánh. Nhưng anh ngồi đó cũng là để suy nghĩ về những gì đang xảy đến chung
quanh cuộc sống của những kẻ bất hạnh như anh, liên quan đến một nhân vật có tên
gọi Giêsu. Một điều đặc biệt, Giêrikhô là vùng đất dân ngoại, vậy tại sao anh mù lại biết
Đức Giêsu là Con Vua Đavít, một danh xưng mà chỉ những người dân Do thái thuộc
Kinh Thánh mới biết? Bởi đó, việc anh ngồi bên vệ đường không chỉ đơn thuần là ăn
mày lòng thương xót của người sáng mắt, mà đó còn là những ngày tháng anh tìm hiểu
và đem niềm tin đặt vào Đức Giêsu, Đấng anh chưa nhìn thấy nhưng đã tin. Vì thế
thánh sử Mác-cô tường thuật: “Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nazarét, anh ta bắt đầu
kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10, 47). Niềm
tin vào Đức Giêsu trong anh đã được thai nghén và cưu mang theo dòng thời gian.
Niềm tin ấy sẽ được diễn tả bằng việc: Càng la to hơn, tung áo choàng, đứng phắt dậy.
Những hành động dứt khoát và cương quyết phát xuất từ một niềm tin mãnh liệt.
“Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban
mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Người tín hữu chỉ có thể trở
thành người truyền giáo, khi chính bản thân mình phải trước hết được truyền giáo. Quả
vậy, nếu chúng ta không thấm nhuần tinh thần thừa sai và không thực sự cảm nhận
hạnh phúc và niềm vui của người tin Chúa, thì làm sao chúng ta có nhiệt thành để giới
thiệu Người cho người khác? Để trở nên tác viên của công cuộc truyền giáo, tín hữu
phải đón nhận Lời Chúa, được Lời Chúa tôi luyện để trở thành khí cụ sắc bén của việc
loan báo Tin Mừng.
Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba phần được coi là khác nhau,
nhưng Thánh Marcô xếp lại gần nhau để làm thành một nội dung duy nhất: Muốn được
sống đời đời, cần có hai điều kiện: Một là sống tốt lành về mặt đạo đức hay luân lý, hai
là theo Chúa Giêsu. Nhưng để theo Chúa Giêsu thì trước đó phải “bán đi tất cả gia tài,
đoạn bố thí cho người nghèo khó”
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đề cao ý định của Thiên Chúa khi sáng tạo nên lòai người, có
nam có nữ, và truyền cho đôi vợ chồng này, phải hiệp nhất với nhau nên “một xương một thịt”.
Rồi từ giáo ước này sẽ phát sinh hiệu quả là: hai người không được phân ly. Tóm lại: Hôn
nhân tự nhiên do Thiên Chúa an bài có hai đặc tính là:
“độc hôn” (một vợ một chồng) và “vĩnh hôn” (bất khả phân ly). Việc ly hôn sẽ kéo theo hệ lụy
tội lỗi cho nhiều người khác nữa.
Bài Tin Mừng hôm nay như một tổng hợp nhiều bài học giáo huấn trong một đoạn văn ngắn.
Tác giả Mác-cô chắc hẳn đã thu góp sưu tập những lời giảng dạy của Chúa, rồi đặt chúng bên
cạnh nhau theo một lối hành văn cô đọng có chủ ý gửi gắm những thông điệp cụ thể. Trước
hết, Chúa Giêsu dạy chúng ta về tình liên đới hài hoà để chống lại sự ghen tị chia rẽ. Đây cũng
là giáo huấn mà chúng ta đã nghe trong Lời Chúa Chúa nhật trước. Tông đồ Gioan khó chịu
khi thấy những người khác nhân danh Đức Giêsu mà trừ quỷ. Lập luận của ông thuần tuý trần
tục, với tư tưởng phe cánh: ai không cùng nhóm với các môn đệ Thày thì không thể nhân danh
Thày. Gioan cũng như một số môn đệ khác tự cho mình là được ưu tuyển, là chính danh, để
coi thường những người khác và muốn phủ nhận những điều tốt lành họ đang làm. Chúa
Giêsu không quan niệm như thế. Người khẳng định: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ
chúng ta. Sự ganh tị cũng được nhắc tới trong Bài đọc I. Ông Giosuê, người sau này sẽ trở
thành thủ lãnh kế vị ông Môisen, cũng ghen tương với những người khác và không chấp nhận
cho họ nói tiên tri, trong khi chính Chúa ban cho họ khả năng ấy. Điều đó cho thấy sự nhỏ
nhen của của người. Họ muốn giành quyền Thiên Chúa để phán xét theo cái nhìn thiển cận và
ghen tương của mình. Chúa dạy chúng ta hãy có cái nhìn công bằng hơn. Bất cứ ai làm điều
tốt, dù họ thuộc về phe phái chính trị hoặc về tôn giáo nào, đều đáng trân trọng. Thiên Chúa là
nguồn gốc của Chân, Thiện, Mỹ, nên những ai làm những thiện hảo và tốt đẹp đều đang
hướng về Chúa và mặc dù không ý thức điều đó, họ vẫn đang diễn tả vẻ đẹp và sự tốt lành
của Ngài.
“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng
sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Muốn làm lớn, thì phải phục vụ; hãy có tâm hồn
đơn sơ như trẻ em. Chúa Giê-su không nói suông, mà chính Người làm gương cụ thể cho
chúng ta.
Nhân dịp Phêrô tuyên xưng đức tin, một lời tuyên xưng hẳn là tuyệt vời, nhưng rõ ràng còn
rất bất toàn, Chúa Giêsu đã nói thẳng với các môn đệ “Thầy là Đấng Mêsia”, nghĩa là: “Con
đã theo Thầy từ một năm rưỡi nay, con đã nghe Thầy giảng dạy, con đã chứng kiến những
phép lạ Thầy làm, con đã nhìn thấy cách Thầy sống, đối với con Thầy là chứng nhân của
Thiên Chúa và của Nước Trời. Vì vậy con đã theo Thầy để Thầy dẫn con đến Thiên Chúa”.
Phêrô thành thật bày tỏ kinh nghiệm của mình, và Chúa Giêsu không hề phản đối lời tuyên
xưng đức tin của ông. Tuy nhiên, Chúa tiếp lời ông ngay bằng việc loan báo cuộc tử nạn
của Ngài, và lần đầu tiên, Ngài dạy cho các ông hay rằng Con Người phải đau khổ nhiều...
Lúc đó, Phêrô bị sốc đến nỗi ông tự cho phép mình trách móc Thầy. Nhưng Chúa Giêsu
liền đưa ông lại đúng vị trí của ông: “Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy... con không hiểu gì
về kế hoạch của Thiên Chúa”. Rồi Ngài thêm: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều
mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Khi cử hành Bí
tích Thánh Thể, Thầy chí ái của chúng ta đã hiến dâng mạng sống cho Cha Ngài, vì yêu
mến Cha và vì ơn cứu độ của tất cả mọi người. Ta hãy cử hành Thánh lễ trong tinh thần
phục vụ đó, và sẵn sàng liều mất mạng sống mình vì Chúa Giêsu và vì Tin Mừng để được
sống.
Chúa phán: “Epphata” nghĩa là “Hãy mở ra”. Lập tức lỗ tai điếc anh mở ra nghe được rõ
ràng, lưỡi như bị một sợi dây trói buộc nay được tháo cởi nên anh nói rành mạch. Phép lạ
chú trọng đến sự kiện mở tai để người điếc có thể nghe Lời Chúa, cởi trói cái lưỡi để người
câm có thể tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu. Như vậy, theo Máccô, phép lạ Chúa chữa
người câm điếc mang ý nghĩa sâu xa, đó là chữa lành bệnh câm điếc thiêng liêng.
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật tuần này kể lại cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và bọn biệt
phái. Họ là những kẻ bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu, để bắt lỗi Chúa Giêsu. Đọc lại
Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã tỏ ra rất nhân từ và khoan dung đối với các tội
nhân, nhưng Ngài lại tỏ ra nghiêm khắc với bọn biệt phái và luật sĩ. Nhiều lần Ngài đã
lên tiếng trách cứ họ nặng lời. Tại sao thế? Vì họ là những kẻ kiêu căng và tự phụ, bôi
bác và giả hình. Khắt khe với người khác mà lại rộng rãi với chính mình. Nói tới giả
hình là chúng ta nghĩ ngay đến sự gian tham tà ý, khẩu phật tâm xà. Tư tưởng không đi
đôi với lời nói, và lời nói không đi đôi với việc làm. Ngôn hành không có hợp nhất. Nói
một đàng làm một nẻo. Vì thế Chúa đã nghiêm khắc kết án: “Khốn cho các ngươi hỡi
những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi giống như mồ mả, bên ngoài thì quét vôi
đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy giòi bọ cùng mọi thứ xú uế.” Nếu không có tình mến,
thì rồi một lúc nào, đó chúng ta sẽ bị lật tẩy, vì chúng ta chỉ là những kẻ bôi bác giả hình
mà thôi. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn thật sâu tận đáy lòng
mình, để quan sát những ham muốn xấu xa, những kiêu căng và ghen tị, những tham
lam và thù ghét đang âm ỉ trong lòng. Chính những thứ đó mới là nguyên nhân gây nên tội
ác, tạo nên mọi điều xấu xa. Lạy Chúa Giêsu! Con cần được Chúa thánh hóa con. Amen.